Bộ luật có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Đại Nam từ 1815 đến 1883, điều chỉnh mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế-xã hội. Từ sau 1884, bộ Hoàng Việt luật lệ mất hiệu lực từng phần dưới sự tác động của chính quyền và luật pháp thực dân.
Nội dung bộ Hoàng Việt luật lệ
Những quy định trong lĩnh vực hình sự
Nội dung pháp luật hình sự chủ yếu được trình bày từ Quyển:
– Hình phạt
Được trình bày khái quát trong Danh lệ, Điều 1 và được quy định cụ thể, chi tiết trong hầu hết các điều của Hoàng Việt luật lệ. So với bộ Quốc triều hình luật triều Lê, hình phạt trong Hoàng Việt luật lệ có tính hà khắc hơn. Hình phạt bao gồm Ngũ hình và các hình phạt ngoài ngũ hình:
– Ngũ hình:
+ Xuy hình (đánh bằng roi): Có 5 bậc, từ 10 đến 50 roi, mỗi bậc tăng 10 roi.
+ Trượng hình (đánh bằng gậy): Có 5 bậc, từ 60 đến 100 trượng, mỗi bậc tăng 10 trượng. Ngoài các tội thập ác, phụ nữ phạm tội thông gian, trộm cắp có thể đổi trượng sang xuy, cứ một trượng đổi thành 2 xuy.
+ Đồ hình (tù khổ sai): Có 5 bậc: 1 năm với 60 trượng; 1,5 năm với 70 trượng; 2 năm với 80 trượng; 2,5 năm với 90 trượng; 3 năm với 100 trượng. Đồ được áp dụng cho trường hợp phạm tội tương đối nặng. Cho gửi phạm nhân về quản thúc nơi trấn họ ở, bắt phải làm mọi việc nặng nhọc từ 1 đến 3 năm thì chấm dứt. Suốt thời kì chấp hành hình phạt, họ bị xiềng chân. Phép “Nhuận đồ”: Đối với một số tội luật Gia Long cho đổi từ 3 bậc lưu sang 4 năm đồ; Tạp phạm bị treo cổ, chém đổi sang 5 năm đồ.
+ Lưu hình (đi đày): Có 3 bậc: 2000 dặm với 100 trượng; 2500 dặm với 100 trượng; 3000 dặm với 100 trượng. Lưu được áp dụng cho phạm nhân tội dù nặng nhưng chưa đáng phải chết. Họ bị lưu đày vĩnh viễn nơi xa, cả đời không được trở về cố hương. Phạm nhân có thể đem theo vợ con, gia đình. Tại nơi lưu đày, họ được cấp đất, trâu cày và công cụ để tự lao động cải tạo.
+ Tử hình (giết chết): Có 2 bậc: treo cổ (giảo) và chém (trảm). Hoàng Việt luật lệ còn quy định về phép “Nhuận tử” (chết 2 lần) bao gồm: Lăng trì (xẻo chậm); Trảm kiêu (chém bêu đầu) và Lục thi (chặt xác chết).