Sự thành lập Liên bang Đông Dương và các quy chế chính trị

      Ngày 17/10/1887, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập “Liên bang Đông Dương” thuộc Pháp. Sắc lệnh này cùng với một số sắc lệnh được ban hành sau đó quy định về Toàn quyền Đông Dương là những văn bản tạo ra cơ sở pháp lí cơ bản để hoàn thiện và củng cố chính quyền thuộc địa ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Khi mới thành lập, Liên bang Đông Dương gồm Việt Nam và Campuchia. Sắc lệnh ngày 19/4/1889 đưa Lào vào Liên bang Đông Dương và từ năm 1890 thêm Quảng Châu Loan (vùng đất mà Pháp đã chiếm được của Trung Quốc). Liên bang Đông Dương do Bộ thuộc địa Pháp trực tiếp quản lí.

Sự thành lập Liên bang Đông Dương và các quy chế chính trị

     Về quy chế chính trị, toàn liên bang Đông Dương là đất thuộc địa của Pháp, là lãnh thổ hải ngoại của nước Pháp. Liên bang Đông Dương gồm các xứ với những quy chế chính trị tương ứng sau đây:

- Lào: Quy chế “bảo hộ”.

- Campuchia: Quy chế “bảo hộ”.

- Quảng Châu Loan: Quy chế “lãnh địa thuê”.

- Bắc Kì (từ Ninh Bình ra Bắc): Quy chế “nửa bảo hộ” (trừ hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng theo quy chế đất “thuộc địa”).

- Trung Kì (từ Thanh Hoá vào tối Bình Thuận): Quy chế “bảo hộ” (trừ thành phố Đà Nẵng theo quy chế “thuộc địa”).

“ Nam Kì: Quy chế “thuộc địa”.

      Dù quy chế chính trị khác nhau nhưng thực chất đều là thuộc địa.

      Ba xứ ở Việt Nam thường được người Pháp gọi chung bằng một địa danh “An Nam thuộc Pháp”. Nam Kì, Trung Kì, Bắc Kì hưởng các quy chế chính trị khác nhau, nên có những hình thức tổ chức chính quyền và các quy chế pháp lí khác nhau.

     Như vậy, Việt Nam và các nước khácở Đông Dương đã mất độc lập và toàn bộ chủ quyền. Với việc thiết lập Liên bang Đông Dương và chia nước ta ra làm ba kì, người Pháp đã bắn một mũi tên nhưng nhằm tới hai đích, một là thống nhất bộ máy thuộc địa  ở toàn Đông Dương để thuận lợi cho sự cai trị; hai là chia để trị, hòng xoá bỏ sức mạnh thống nhất và đoàn kết đấu tranh của dân tộc Việt Nam.