Ngoài những chức năng giai cấp như các nhà nước phong kiến khác, Nhà nước Đại Việt còn có hai chức năng đặc biệt quan trọng, là chức năng tổ chức công cuộc chống ngoại xâm và chức năng tổ chức công cuộc trị thuỷ.
Hầu hết các triều đại đều phải đương đầu với họa ngoại xâm. Ngô Quyền chống Nam Hán, Tiền Lê và Lý chống Tống, Trần chống Nguyên Mông, triều Hậu Lê được thiết lập qua cuộc kháng chiến chống Minh, triều Tây Sơn chống Thanh. Mỗi khi có giặc ngoại xâm triều đình phong kiến là tiêu điểm đoàn kết và chỉ đạo toàn dân chống giặc. Mặt khác, nếu phong kiến Trung Hoa không xâm phạm bờ cõi nước Đại Việt thì các triều đại của Đại Việt đều dùng chính sách đối ngoại mềm dẻo, khôn khéo để tránh các cuộc đụng độ với những đế chế phương Bắc. Các vị vua Đại Việt thường nhận sự tấn phong vương và hàng năm triều cống cho Hoàng đế Trung Hoa.
Công cuộc trị thuỷ-thuỷ lợi luôn được các triều đại chăm lo. Ví dụ: Hệ thống đê Cơ xá đã được xây dựng ở thời Lý. Ở thời Nguyễn, khối lượng đào đắp đê bằng tổng số khối lượng đào đắp đê điều của tất cả các triều đại trước. Theo sử sách cổ, từ thòi Lý, Trần trở đi, Nhà nước phong kiến đã đặt ra các chức quan chuyên trách về công việc đê điều, như chức hà đê chánh sứ, hà đê phó sứ. Luật pháp của Nhà nước phong kiến trừng phạt rất nặng những hành vi xâm hại đến đê điều và quy định trách nhiệm của quan lại ở các địa phương trong việc trông nom, tu bổ, bảo vệ đê điều, mương máng.
Có thể nói, Nhà nước Đại Việt không chỉ để cao chức năng giai cấp mà còn chú trọng tới chức năng xã hội. Bởi vậy, Nhà nước vừa thể hiện bản chất giai cấp và ở mức độ nhất định, vừa biểu hiện tính dân tộc, tính nhân dân. Việc thực hiện chức năng xã hội đã góp phần củng cố vị trí thống trị của Nhà nước và tính dân tộc, tính nhân dân đã làm tính giai cấp của Nhà nước phong kiến Đại Việt không quá sâu sắc.
Đọc thêm tại: http://lichsuphapluatvietnam.blogspot.com/2015/07/nhan-xet-ve-hinh-thuc-nha-nuoc-p2.html
Từ khóa tìm kiếm nhiều: luật pháp việt nam, hoàng
việt luật lệ