Quyền và nghĩa vụ của các con:
+ Con cái có bổn phận làm tròn đạo hiếu. Luật Gia Long quy định một số nghĩa vụ cơ bản như: Phải vâng lời dạy bảo, phụng dưỡng ông, bà, cha, mẹ, vi phạm điều này bị coi là mắc tội Thập ác. Điều 307 định rằng: “nếu phụng dưỡng mà cố ý làm thiếu sót xử phạt 100 trượng lưu 3000 dặm”.
Con cháu có nghĩa vụ để tang ông bà cha mẹ và những người thân thuộc, có nghĩa vụ thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ theo dòng họ nội tộc. Con cháu có quyền và nghĩa vụ bảo vệ ông bà cha mẹ, có quyền che giấu tội cho ông bà cha mẹ (các điều 31, 35, 37, 274); không được thưa kiện, tố cáo hoặc vu cáo ông bà cha mẹ, trừ trường hợp mưu phản, đại nghịch xâm hại đến Hoàng đế và sự an nguy của xã tắc, giết cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi thì cho phép tố cáo. Con cháu có nghĩa vụ tôn kính ông, bà, cha, mẹ. Nếu con cháu đánh, mắng nhiếc ông bà cha mẹ xử đổ lưu, tử; mưu giết ông bà cha mẹ bị xử giảo quyết; nếu giết thì bị xử bêu xác hoặc lăng trì. Con cháu xâm phạm đến mổ mả tổ tiên, ông bà cha mẹ đều bị khép vào tội Thập ác.
+ Con nuôi: Bao gồm con lập tự, con nghĩa tử và con nhặt được.
Con lập tự: Phải là con trai trong nội tộc theo “chiêu mục tương đương”. Cha mẹ toàn quyền quyết định việc lựa chọn con lập tự. Con lập tự có quyền và nghĩa vụ với cha mẹ nuôi như con đẻ, có quyền thừa kế tài sản và có nghĩa vụ thờ cúng tổ tiên của cha mẹ nuôi.
Con nghĩa tử: Là con nuôi cùng họ hoặc khác họ. Hoàng Việt luật lệ quy định một số điểm như sau: Con nuôi có quyền sống tại nhà của cha mẹ nuôi, có thể được chia gia sản nhưng không được đưa về bản tông; con nuôi khống được kiện lên quan đòi chia riêng của cải, người trong họ hàng không được ép buộc con nuôi trở về bản tông để chiếm đoạt tài sản (Điều 76).
Con nhặt được: Hoàng Việt luật lệ có một số quy định sau: Nhặt được con rơi dưới 3 tuổi có thể để làm con nuôi nhưng phải đưa đến quan ti nhận lãnh. Có thể nuối con trai hoặc con gái, cho phép nuôi theo họ của nó. Nếu có cha mẹ đẻ thì phải được cha mẹ đẻ ưng thuận. Trẻ dưới 3 tuổi nhặt nuôi có thể mang họ của cha mẹ nuôi nhưng không được lập tự vì là con ngoài huyết thống. Con nuôi không có nghĩa vụ phải mang họ của cha mẹ nuôi.
Phần tỉ dẫn điều luật có quy định một số chế tài đối với những hành vi xâm hại giữa cha mẹ nuôi với con nuôi, chủ yếu gồm 6 trường hợp: 1) Giết con nuôi xử nặng hơn con đẻ, áp dụng tương tự như giết con của anh em; 2) Con nuôi mưu giết anh em của cha nuôi xử chém, đã giết thì xử lục thi; 3) Con nuôi mắng cha mẹ của cha nuôi xử chém; 4) Gian dâm với con gái nuôi của vợ xử 100 trượng đồ 3 năm. Cưỡng gian xử chém; 5) Gian dâm với con gái nuôi xử 100 trượng đồ 3 năm; 6) Con nuôi gian dâm với mẹ nuôi xử chém.
Quan hệ giữa cha mẹ nuôi với con nuôi sẽ chấm dứt trong một số trường hợp như: Khi cha mẹ đẻ tuyệt tự; cha mẹ nuôi đã sinh con trai; cha mẹ nuôi không có con, con nuôi bỏ cha mẹ nuôi phụ lòng nuôi dưỡng, con nuôi khác họ làm rối loạn tông tộc, con nuôi ăn ở vô nghĩa, vô tình, bất hiếu bị cha mẹ nuôi đuổi về bản tông, cha mẹ nuôi phải báo với chính quyền.
Từ khóa tìm kiếm nhiều: luat phap viet nam, hoang
viet luat le