Từ Gia Long đến Tự Đức, các Hoàng đế đều quan tâm đến xây đựng luật pháp và chú trọng đến áp dụng pháp luật. Hoạt động lập pháp của triều Nguyễn cũng đã có những những thành tựu đáng kể. Thành tựu điển hình trong hoạt động lập pháp của triều Nguyễn là bộ Hoàng Việt luật lệ và các tập hội điển.
a. Bộ Hoàng Việt luật lệ: Được soạn thảo theo quy trình chặt chẽ dưới sự kiểm soát của Hoàng đế. Theo Đại Nam thực lục năm 1811 Gia Long lệnh cho triều thần biên soạn bộ luật. Nguyễn Văn Thành được đặc cử làm Tổng tài cùng với Vũ Trinh và Trần Hưu chịu trách nhiệm trước nhà vua về xây dựng bộ luật. Năm 1812, Gia Long viết lời Tựa mở đầu bộ luật, trong đó khái lược về tư tưởng và thành tựu lập pháp, chỉ rõ yêu cầu cấp thiết của việc ban hành bộ luật đồng thời khẳng định ý nghĩa của pháp luật trong thực tiễn. Bộ luật được soạn xong và lần đầu tiên được khắc in tại Trung Quốc. Năm 1815, bộ luật được in thành sách ban hành trên phạm vi toàn quốc. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một bộ luật thống nhất từ Đàng Trong đến Đàng Ngoài được ban hành.
- Hội điển: Là quá trình tập hợp hoá văn bản pháp luật đã được Hoàng đế ban hành hoặc phê chuẩn biên thành điển chế bổ sung cho luật. Hội điển tập hợp các chiếu, dụ, chỉ, sắc, lệnh, chuẩn theo trình tự thời gian qua các triều vua. Việc phân loại quyển mục căn cứ vào thẩm quyền, chức năng của Lục bộ và các cơ quan chuyên môn. Hội điển còn được gọi là Đại Điển, Chính Điển, Điển Lục, Điển Chế, Điển Lệ. Hoàng đế là người có quyền quyết định việc biên soạn và chỉ định người biên soạn Hội điển. Triều nguyễn ban hành được một số hội điển quan trọng sau đây:
- Hội điển toát yếu: Được vua Minh Mệnh cho ban hành vào năm 1833. Đây là tập hội điển ghi chép về chế độ, chức trách của trăm quan, đồng thời quy định nhiệm vụ, quyền hạn chính của các bộ. Năm 1843 Thiệu Trị chỉ dụ về việc xây dựng hội điềnmột cách hệ thống.
- Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ: Được biên soạn công phu kéo dài trong 13 năm (1843 – 1855). Đây là một trong những công trình có quy mô thuộc loại đồ sộ bậc nhất trong kho tàng thư tịch cổ viết bằng chữ Hán của Việt Nam. Sách biên chép tất cả các chiếu, dụ, chỉ, sắc, lệnh, chuẩn đã được nhà vua phê duyệt từ năm Gia Long thứ nhất đến Tự Đức thứ tư (1802 – 1851). Sau này được biên soạn nối tiếp đến năm Duy Tân thứ tám (1914). Nội các là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc tập hợp và biên soạn hội điền.